(Xây dựng) - Về nhà máy xi măng (XM) VICEM Hải Phòng vào một ngày mùa thu tháng Tám, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động, bởi nơi đây đã ghi dấu lịch sử hào hùng 120 năm ngành Công nghiệp XM Việt Nam. Đây cũng là nơi ghi dấu bao công lao, xương máu của các thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống hy sinh cho độc lập dân tộc, nơi những người thợ XM anh dũng, kiên trung, bất khuất viết lên những trang sử hào hùng…
Nhà máy XM Hải Phong vinh dự được đón Bác Hồ về thăm.
Địa chỉ đỏ cách mạng- nơi khởi nguồn một huyền thoại
Bước chân vào nhà máy là khung cảnh bình yên, thơ mộng, đàn bồ câu bay liệng trong khuôn viên nhà máy xanh mướt. Nhà truyền thống của XM Hải Phòng - nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý là những bức ảnh quý, là kỷ vật gắn liền với lịch sử của 120 năm qua nằm nép mình…
Nhớ 120 năm trước, ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý ngày nay, nhà máy XM Hải Phòng chính thức được khởi công xây dựng, đích thân toàn quyền Đông Dương Pôn Đume đã đặt khối đá vôi lớn tại chân móng lò nung, đánh dấu sự ra đời của một huyền thoại - XM Hải Phòng trường tồn qua 3 thế kỷ, lớn mạnh cùng đất nước.
Và cũng chính mảnh đất địa linh này là địa chỉ đỏ cách mạng. Thât tự hào! Quá trình xây dựng phát triển của nhà máy XM Hải Phòng gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam, với lịch sử phát của TP Hải Phòng, của ngành Công nghiệp XM Việt Nam, với sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam, với quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập, lãnh đạo.
Dưới thời Pháp thuộc, nhà máy XM Hải Phòng là cơ sở duy nhất ở Đông Dương sản xuất XM phục vụ chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Do máy móc thiết bị còn thô sơ, lạc hậu, điều kiện làm việc nặng nhọc, lại bị áp bức bóc lột nặng nề, nên công nhân XM đã anh dũng đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành lực lượng tiên phong cách mạng của Hải Phòng và cả nước.
Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội của nhà máy được thành lập; cuối năm 1928, tổ chức công hội đỏ của nhà máy ra đời; cuối năm 1929 “Xích vệ đỏ” được thành lập, là tiền thân của lực lượng vũ trang nhà máy và thành phố.
Ngày 15/8/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở nhà máy, là một trong các Chi bộ đầu tiên được thành lập ở Hải Phòng cũng như của miền Bắc lúc bấy giờ với số lượng đảng viên là 18 đồng chí. Đồng chí Phạm Văn Phóng là Bí thư đầu tiên. Sự ra đời của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của công nhân, thợ thuyền của XM Hải Phòng chống giới chủ Pháp.
Khi chưa có Đảng lãnh đạo, các cuộc đấu tranh, đình công, bãi công của công nhân XM bị giới chủ thẳng tay đàn áp, luôn luôn thất bại. Sau khi thành lập gần 4 tháng, ngày 8/1/1930, Chi bộ Đảng XM Hải Phòng đã lãnh đạo một cuộc bãi công lớn trong toàn nhà máy, với sự tham gia của hơn 2.000 công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, trả lương đúng kỳ, chống đánh đâp… Cuộc bãi công đã giành thắng lợi, buộc giới chủ Pháp phải chấp nhận các yêu sách của công nhân.
Tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, trong giai đoạn 1930 - 1945, Chi bộ Đảng nhà máy XM Hải Phòng lúc bấy giờ đã lãnh đạo công nhân XM nêu cao tinh thần đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhà máy XM Hải Phòng năm 1932.
XM Hải Phòng - cái nôi của phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo
Một sự kiện đặc biệt, kết thúc 56 năm áp bức bóc lột của thực dân Pháp ở nhà máy, ngày 12/5/1955, nhà máy về tay giai cấp công nhân làm chủ và Đảng bộ nhà máy XM Hải Phòng được thành lập. Giai đoạn 10 năm (từ 1955 - 1965), Đảng bộ, công nhân viên XM Hải Phòng đã làm chủ công nghệ, thiết bị; đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn để sản xuất sản phẩm XM chất lượng, góp phần xây dựng đất nước. Riêng giai đoạn 1961 - 1965, toàn nhà máy đã sản xuất được 3.434.000 tấn XM, góp phần hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế của đất nước.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà máy bị tàn phá nặng nề nhưng cũng là thời kỳ oanh liệt nhất, kiên cường nhất, sáng tạo nhất trong lịch sử 90 năm thành lập Đảng bộ nhà máy XM Hải Phòng. Với lời thề “Tim còn đập, lò còn quay” và “Hãy sản xuất thật nhiều XM cho Tổ quốc”, Đảng bộ và cán bộ công nhân viên XM Hải Phòng đã sản xuất 2.855.000 tấn XM để xây dựng các công trình kinh tế và quốc phòng…
Chặng đường 6 thập kỷ (1955 - 2019), nhà máy XM Hải Phòng là “cái nôi” của phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo. Từ phong trào Tổ lao động xã hội chủ nghĩa (mà cánh chim đầu đàn là Tổ đá nhỏ ca A) do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn miền Bắc, đến các phong trào vừa chiến đấu vừa thi đua sản xuất "Địch đánh ta sửa, ta sản xuất”, “Địch phá hoại ngày ta làm đêm”… cho đến nay các phong trào thi đua lao động sản xuất được phát động thường xuyên, hiệu quả. Qua các phong trào thi đua lao động, sáng tạo đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc… Nhà máy XM Hải Phòng đã vinh dự được đón Bác Hồ kính yêu và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm.
Nhà máy XM Hải Phòng ngày nay.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác an sinh xã hội
Khi đất nước toàn thắng, thống nhất, những người thợ XM Hải Phòng lại bước vào thời kỳ đẩy mạnh sản xuất. Nhưng sau 97 năm hoạt động sản xuất, nhà máy XM Hải Phòng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi thiết bị lạc hậu; năng lực cạnh tranh kém, ô nhiễm môi trường… Lại một lần nữa, Đảng bộ, công nhân viên XM Hải Phòng đã phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm vừa sản xuất, vừa chuyển đổi sản xuất, xây dựng nhà máy mới. 11h 30 phút ngày 30/11/2005, mẻ clinker đầu tiên ra lò, đạt chất lượng tốt và ngày 10/12/2005 Lễ chuyển lửa lò nung từ nhà máy cũ sang nhà máy mới được hoàn thành.
Từ năm 2005 đến nay, Đảng bộ, công nhân viên XM Hải Phòng đã nắm bắt, làm chủ dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến. 14 năm qua, nhà máy XM Hải Phòng mới đã sản xuất hơn 15,40 triệu tấn clinker, tiêu thụ 21 triệu tấn sản phẩm; doanh thu đạt trên 21.500 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước trên 800 tỷ đồng (bình quân mỗi năm gần 60 tỷ đồng).
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công nhân viên, Đảng bộ còn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, làm nhà tình nghĩa cho những người có công với đất nước, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai. VICEM Hải Phòng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động cộng đồng, làm công tác an sinh xã hội, hàng năm giành từ 3,5 - 4 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. Hưởng ứng cuộc vận động Chung tay xây dựng nông thôn mới, VICEM Hải Phòng đã chủ động đề xuất với thành phố được cung ứng toàn bộ XM với giá bán đầu nguồn và chi phí vận chuyển, bốc xếp.
Sản phẩm XM Hải Phòng xuất khẩu sang Indonexia.
Ngày xưa, XM nhãn hiệu Con Rồng của XM Hải Phòng đã nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, nhãn hiệu XM Con Rồng xanh, đỏ đã xuất khẩu đi nhiều nước. Ngày nay, sản phẩm XM Hải Phòng mang nhãn hiệu “Con Rồng” tiếp tục đứng vững trên thị trường, là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết của bao thế hệ người thợ XM. Sản phẩm của xi măng Hải Phòng tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm của quốc gia như: Thủy điện Hòa Bình, thác Bà, cầu Thăng Long, sân bay Nội Bài...
Đặc biệt, XM Con Rồng mác 600 do cán bộ, công nhân viên công ty sản xuất thành công trong điều kiện đất nước còn đang chiến tranh để xây dựng Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thật vinh dự, tự hào!